Tin tức

Rau Đà Lạt đã được “giải cứu”, nông dân bắt đầu canh tác trở lại

Chương trình hỗ trợ TP. HCM 5000 tấn nông sản vô cùng rầm rộ trong thời gian qua. Nhưng trên thực tế, nhiều nhà vườn ở Đà Lạt cho biết nếu muốn tham gia thì phải đăng ký, khai báo thông qua Hội Nông dân, quy trình khá phức tạp, rườm rà nên họ không bán được cây nào theo chương trình hỗ trợ này cả. Chưa kể, việc vận chuyển khó khăn cũng khiến ít thương lái đến mua hàng hơn. Tuy giá rau củ quả tại các tỉnh thành phía Nam tăng mạnh do dịch bệnh nhưng giá tại nông trại thì tăng được như vậy trong khi chi phí sản xuất không giảm. Gần đây khi thị trường rau Đà Lạt khởi sắc, người nông dân mới bắt đầu xuống giống trở lại.

Suốt 3 tháng qua rau Đà Lạt sản xuất ra nhưng không bán được

Suốt 3 tháng qua rau Đà Lạt sản xuất ra nhưng không bán được
Suốt 3 tháng qua rau Đà Lạt sản xuất ra nhưng không bán được

Suốt 3 tháng qua, nhiều nông hộ sản xuất rau ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) không bán được hàng. Họ phải cho các nhóm thiện nguyện thu hoạch để giúp TP. HCM và các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16  phòng chống dịch Covid-19. Có những hộ đành phải cuốc bỏ hoặc cày làm phân xanh. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Hà đã cuốc bỏ vườn rau xà lách cô rôn. Bà Hà cho biết: “Vườn rau cô rôn diện tích 2.500 m2. Tiền mua giống 4,5 triệu đồng. Cộng thêm tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thêm 10 triệu đồng nữa. Tổng vốn đầu tư 14,5 triệu đồng. Chưa tính tiền công và điện nước tưới”. Vì đầu ra không có, nên phải cuốc bỏ. Bà Hà không dám xuống giống nữa, vì sợ mất vốn.

Anh Diệp Phú Cường (đường Công Chúa Ngọc Hân, P.7), đang canh tác hơn 6 sào rau củ quả các loại. Anh Cường cho biết, suốt 3 tháng qua khoảng 50% sản phẩm không bán được. Phải tặng các nhóm từ thiện giúp các hoàn cảnh khó khăn, hoặc đổ bỏ. 50% còn lại bán được nhưng giá rẻ không đủ chi phí đầu tư.

Giá rau xanh Đà Lạt tăng vọt

Theo ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty Thực phẩm Thảo Nguyên, trong 5 ngày gần đây nguồn rau xanh Đà Lạt khan hiếm khiến giá tăng vọt. Giá rau được các nông hộ bán tại vườn như xà lách, lô lô từ 10.000 đồng tăng lên 28.000- 30.000đồng/kg; bó xôi từ 8000 đồng tăng lên 18.000đồng/kg; rau cô rôn từ 4.000-5.000 đồng tăng lên 14.000-15.000đồng/ kg; tần ô từ 5000 đồng tăng lên 15.000đồng/kg… Riêng xà lách Mỹ gần như không có hàng để ban.

Trong 5 ngày gần đây nguồn rau xanh Đà Lạt khan hiếm khiến giá tăng vọt
Trong 5 ngày gần đây nguồn rau xanh Đà Lạt khan hiếm khiến giá tăng vọt

Ông Nguyễn Quốc Minh Ngữ (Công ty Đồng Xanh, TP.Đà Lạt) cho biết, giá bắp sú, cải thảo từ 3.500- 4.000đồng nay tăng lên 6000-7000 đồng. Nhiều vựa rau tới vườn mua bắp sú non với giá 6.000 đồng/gốc. Với hàng củ như cà rốt, khoai tây vẫn giữ giá 16.000-17.000đồng/kg.

Nhà vườn xuống giống trở lại

Ngày 13.9, ghi nhận của PV, giá các loại rau xanh Đà Lạt (Lâm Đồng) tiếp tục tăng cao do khan hiếm. Nhiều nông hộ xuống giống rau ngắn ngày, sau nhiều tháng sản xuất không tiêu thụ được do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trước đó, từ tháng 6 – 9.2021, hầu hết các nông hộ sản xuất rau ngắn ngày ở Đà Lạt bị ứ đọng hàng, phải cho các nhóm thiện nguyện thu hoạch  làm từ thiện hoặc cày bỏ làm phân xanh vì không tiêu thụ được. Từ đó, nhiều nông hộ để đất trống không canh tác để chờ theo dõi diễn biến dịch bệnh.

Ông Nguyễn Quang Hưng (Tổ Thánh Mẫu, P.7, Đà Lạt) kể, suốt 3 tháng qua ông xuống giống 2 lứa lô lô, tần ô, bó xôi nhưng không tiêu thụ được, phải cho các nhóm thiện nguyện. Nay có 2 sào lô lô với 30.000 cây gần đến kỳ thu hoạch đang hy vọng bán được giá cao. Không chỉ ông Hưng, nhiều nông hộ ở Đà Lạt cho biết trước đây đặt cây giống rất dễ, nhưng nay phải chờ đợi từ 2 tuần đến 1 tháng các vườn ươm mới có thể giao cây để xuống giống, sau khi giá rau xanh các loại tăng giá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *