Mua hàng qua mạng trở thành xu thế tất yếu trong thời buổi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Việc hạn chế đi lại, lo lắng về nguy cơ phơi nhiễm khi ra đường đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng tìm hiểu và mua sắm qua hình thức thương mại điện tử. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng mới lần đầu đến với mua hàng qua mạng hoặc tiếp xúc ít thường dễ bị “sập bẫy” những kẻ lợi dụng mạng ảo để làm ăn gian dối. Gần đây một số đối tượng còn “phát minh” ra chiêu trò lừa đảo khiến không ít người mất tiền oan. Ở một diễn biến khác, nhóm “nhà bán hàng” chuyên kinh doanh bánh trung thu giả cũng làm nhiều khách hàng bức xúc.
Mục lục
Truy quét bánh trung thu “rởm” bán trên Facebook, Zalo
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu đội trưởng các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn. Rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh trung thu trên website thương mại điện tử; mạng xã hội như facebook, zalo…

Nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện từ để kinh doanh các loại bánh trung thu đáng ngờ. Sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm. Cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất; địa chỉ nơi sản xuất; có hướng dẫn sử dụng; bảo quản; ghi ngày sản xuất; hạn sử dụng…
Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới khi mua hàng qua mạng mùa dịch
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) nhận định lợi dụng nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng trong mùa dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Lừa đảo “Ship COD”
Một số thủ đoạn lừa đảo có thể kể đến như dịch vụ “Ship COD“. Để thu khoản chênh lệch giá. Đối tượng giả làm khách mua hàng thỏa thuận với người bán trước. Yêu cầu nâng giá ghi trên phiếu mua hàng của sản phẩm thông qua dịch vụ “Ship COD”. Người bán cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến mình nên đồng ý . Sau đó, sử dụng dịch vụ “Ship COD” để giao nhận hàng.

Người bán giao hàng cho dịch vụ vận chuyển. Nhận tiền ứng hàng lớn hơn so với giá trị sản phẩm. Người bán chuyển khoản số tiền chênh lệch lại cho người mua theo như thỏa thuận. Nhưng sau đó, dịch vụ vận chuyển thông báo không tìm thấy người nhận ở địa chỉ đã báo. Hoặc không có ai mang tên như trên phiếu giao hàng. Người bán phải hoàn lại tiền ứng hàng vì không thể giao hàng. Như vậy, người bán đã bị lừa mất số tiền chênh lệch giá.
Lệnh chuyển khoản giả
Kế tiếp là sử dụng lệnh chuyển khoản giả. Đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua Internet Banking. Người bán tưởng là thật nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách. Khi shipper lấy hàng đi rồi, người bán chưa nhận được tiền nên gọi cho khách hàng thì sẽ được trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới.
Lúc này, phía dịch vụ vận chuyển giao hàng xong nên bên bán không thể lấy lại hàng được. Hoặc những kẻ lừa đảo còn dùng các “App” mạo danh đầu tư vắc xin Covid-19, thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… Người dùng bị dụ dỗ, lôi kéo đăng ký tài khoản tại một trang web hoặc “App” không rõ nguồn gốc, không có bản quyền công ty bảo hộ. Nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi “App” sập, không thể rút lại tiền…
Khuyến cáo từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng…