Đại dịch Covid-19 bùng nổ lần thứ tư tại TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam đến nay đã được ba tháng. Thị trường toàn miền Nam nói chung, miền Tây nói riêng luôn trong tình trạng bất ổn. Tất cả các mặt hàng từ nông sản như gia cầm, rau ăn lá, rau củ quả, trái cây, thủy sản,… đối mặt với nhiều đợt lên xuống giá thất thường. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của các hộ sản xuất mà còn tác động tình hình kinh tế nước nhà. Trong khi đó, TPHCM thiếu hàng hóa khiến giá cả tăng vọt mất kiểm soát.
Giá nhiều loại nông sản miền Tây chạm đáy
Tại huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh, khoa lang tím, rau củ quả nông dân không bán được. Hàng ứ đọng nghiêm trọng. Giá khoai lang ở Bình Tân chưa đến 3.000 đồng/kg; giá cam tại các nhà vườn trên dưới 10.000 đồng/kg nhưng vì sao bà con không bán được hàng? Trong khi đó giá khoai lang, cam bán ở TP HCM phải cao gấp 4-5 lần!


Tại Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 2.000 ha bưởi Năm Roi cho sản lượng khoảng 23.000 tấn mỗi năm. Những năm chưa có dịch Covid-19, giá bưởi tại vườn thường ở mức 18.000-30.000 đồng mỗi kg, dịp lễ Tết lên 40.000-50.000 đồng. Nhưng nay người dân trồng bưởi cũng đang lâm cảnh khó vì giá xuống rất thấp.
Theo số liệu của Sở Nông nghiêp – phát triển nông thôn Vĩnh Long, lượng nông sản của tỉnh này hơn 2.000 tấn/ngày, trong đó có rau củ quả, gia cầm, thủy sản và cả lúa gạo. Nhiều tỉnh khác cũng tương tự, hàng hóa ứ đọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất hàng hóa.
Như Tiền Giang, giá nhãn rớt thê thảm, chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg, thậm chí 6.000 đồng, trong khi năm trước vài ba chục ngàn mỗi ký. Tại Cần Thơ, tất cả các loại trái cây đều rớt 2/3 giá. Trong đó, chôm chôm và sầu riêng là hai mặt hàng khiến nông dân lao đao nhiều nhất. Trước dịch, chôm chôm đang giá 27.000 đồng/kg, giờ thì bán 7.000 đồng/kg. Sầu riêng trước dịch giá 55.000 đồng/kg, giờ chỉ còn có 23.000 đồng/kg.
Hàng hóa dồn ứ
Khó khăn lớn nhất vẫn là khâu vận tải hàng hóa. Theo các thương lái, do các quy định về phòng chống dịch ở miền Tây vẫn khắt khe, như người đến địa phương mua hàng ở các tỉnh miền Tây cần phải test nhanh còn giá trị trong 72 giờ, phải cách ly 14 ngày… Trong khi đó nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết bây giờ kiếm tài xế “dám” chạy đường dài rất khó, vì đa số chưa tiêm vaccine, họ ngại nhiễm bệnh
Trong khi đó nhiều tỉnh miền Tây hiện đang vào mùa thu hoạch nông sản, rất cần nơi tiêu thụ. Việc vận chuyển hàng hóa vẫn rất khó khăn, là yếu tố đẩy các mặt hàng nông sản, hải sản, gia cầm ở TP HCM tăng rất cao khi đến tay người tiêu dùng.


Hiện tình hình dịch bệnh tại các tỉnh miền Tây chưa chuyển biến nhiều. Các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang vẫn còn là những điểm nóng dịch Covid-19. Tình hình đó càng khó khăn cho việc tổ chức tiêu thụ nông sản cho bà con. Trong khi đó tại TP HCM giá cả ngày càng cao, đã và đang lập mặt bằng giá mới. Nếu tình trạng này kéo dài, cuộc sống của người dân sau đại dịch chắn chắn sẽ rất khó khăn.
Nguyên nhân giá nông sản xuống thấp
Ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm hợp tác xã Thanh Ngọc cho biết, khoai của người dân nơi đây trồng chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng mấy tháng qua, nước này không nhập hàng nữa nên giá giảm rất nhanh.
Trong khi đó, với mặt hàng bưởi Năm Roi, việc mất đi thị trường tiêu thụ lớn là TP HCM khiến mặt hàng này ảnh hưởng nặng. “Trước đây, hàng ngày tôi bán cho các mối ở TP HCM 8-10 tấn bưởi. Nhưng 3 tháng qua, dịch bệnh bùng phát mạnh, chợ đầu mối đóng cửa, giãn cách… Việc tiêu thụ ở thị trường lớn nhất nước này “đóng băng”. Do đó, hiện tôi chỉ còn bán ra Hà Nội. Nhưng số lượng chỉ 4-6 tấn mỗi ngày”. Ông Nguyễn Thanh Quý, chủ vựa trái cây ở Thị xã Bình Minh nói.
Theo ông, thị trường bị co hẹp, trong khi sản lượng không giảm. Các vựa phải bán ra giá thấp để kích thích tiêu thụ. Từ đó, họ hạ giá mua của người dân để không bị lỗ và bù lại phần chi phí tăng cao… Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… từ 16/7- 10/9, có hơn 230.000 tấn nông sản chủ yếu của nông dân trong tỉnh thu hoạch được tiêu thụ. Trong đó, gần 54.000 tấn được tiêu thụ trong tỉnh; ngoài tỉnh khoảng 180.000 tấn. Qua hệ thống chợ truyền thống, chợ nông sản, kết nối cung cầu với các tỉnh thành, doanh nghiệp đầu mối…