Người nông dân trồng cau tại Bến Tre và Tiền Giang vừa gặp tình huống lạ lùng hơn bao giờ hết trong suốt một tháng qua. Giá cau non hiện nay đã lên đến 30.000 đồng – 35.000 đồng/kg, tức tăng gần 30.000 đồng so với trước đây. Nhiều thương lái lạ đến địa bàn hai tỉnh này và tổ chức thu mua trái cau non với lý do là để xuất khẩu. Tuy nhiên, đại đa số những thương lái ấy đều chỉ đặt đại lý và thuê người dân địa phương thay mặt thu mua chứ không trực tiếp làm việc với nhà vườn.
Thương lái “lùng sục” cau non tại Tiền Giang
Hiện thương lái mua nguyên buồng cau non với giá từ 8.000 – 9.000 đồng/kg. Sau đó thuê nhân công bốc từng trái cau ra lấy ruột và đưa đi tiêu thụ. Các thương lái này không tiết lộ việc mua trái cau non để làm gì và địa điểm tiêu thụ nơi đâu. Ở thời điểm này tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có đến 2 cơ sở chuyên thu mua trái cau non. Mỗi ngày, 2 cơ sở này thu mua từ 2-3 tấn trái cau non. Người dân địa phương cho rằng trái cau non có đầu ra thì cứ thu hoạch bán.


Ông Huỳnh Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thừa nhận, hiện nay trên địa bàn xã có thương lái thu mua trái cau non, cau già lựa bỏ lại. Xã mới nắm được thông tin và sẽ xin ý kiến lãnh đạo cấp huyện để có hướng xử lý. “Xưa nay người ta chỉ mua cau già. Không nghĩ là mua cau non không ảnh hưởng về kinh tế. Với thông tin này chúng tôi hết sức bất ngờ”. Ông Sang cho biết. Người dân địa phương thì cho rằng, trước đây, trái cau đầu ra rất ế ẩm, nay có người mua được giá thì đem bán. “Đúng ra chuyện lợi, hại mình không có rành. Người dân mình thấy có lợi nhuận là bán nếu không cau cũng bỏ phế.” Một người dân cho biết.
Giá cau non trên địa bàn tỉnh Bến Tre bất ngờ tăng mạnh
Nhiều thương lái lạ tìm mua
Dọc theo tuyến tỉnh lộ 885, đoạn qua địa bàn xã Bình Hòa, Lương Quới, Thị Trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) nhiều điểm thu mua cau được mọc lên. Hàng ngày lượng cau mua được từ các nơi tập trung về các điểm này. Sau đó cau sẽ được cắt trái cho vào bao tải lớn để chuyển đi.
Anh Nguyễn Văn Tí, xã Lương Quới chia sẻ, mỗi ngày anh đến vườn cây của người dân hái và thu mua cau. Đồng thời cũng mua luôn cau từ các thương lái nhỏ sau đó giao lại các điểm thu mua. Theo anh Tí hiện nay cau chủ yếu xuất khẩu đi nước ngoài. Đặc biệt chỉ mua cau non. Các loại cau dày cơm, cau già sẽ không thu mua vì bán trong nước không được. Bà Đỗ Thị Bé, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm cho biết, giá cau tăng cao chỉ vào mùa nghịch vụ, cau không có trái. Hiện nay, cau đang vào mùa vụ nhưng giá lại tăng cao. Đây là điều chưa xảy ra từ trước đến nay.
Giá cau non cao kỷ lục
Mỗi năm, đến mùa vụ cau rất sai trái, giá cau mắc nhất cũng chỉ 5.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay giá cau thu mua tại vườn từ 20.000-25.000 đồng/kg (sau khi trừ chi phí công hái). Bà Đỗ Thị Bé cho hay, cây cau trồng chủ yếu xen vườn dừa. Một lần thu hoạch chỉ bán được 100.000 – 200.000 đồng. Tuy nhiên, vừa qua bà bán cau được hơn 1 triệu đồng. Bà Đỗ Thị Bé chia sẻ, thấy cau tăng giá thì cứ bán chứ không biết người ta mua cau non về làm gì. Không biết có ảnh hưởng đến cây cau hay không.


Anh Trần Văn Nam, xã Bình Hòa chia sẻ, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên anh không làm thuê được, kinh tế gia đình khó khăn. Thấy giá cau tăng, thương lái mua nhiều. Nên anh Nam đi xét nghiệm nhanh COVID-19 xin giấy đi hái cau; thu mua của các hộ dân trong khu vực nhà để giao lại cho các điểm thu mua.
Anh Nam cho biết thêm, dịch bệnh nên nhiều gia đình kinh tế thiếu hụt. Giá cau tăng giúp đỡ phần nào cho các hộ dân thêm chút tiền để trang trải. Mỗi 1 kg anh Nam sẽ thu tiền công leo hái từ 5.000-7.000 đồng/kg. Mỗi ngày anh thu hái hơn 50kg. Theo anh Nam, trước tình hình giá cau tăng nhiều hộ dân đổ xô mua cau con về trồng, làm cho giá cau con tăng theo. Trước đây cau con người dân tự ươm trồng. Nhưng hiện nay do nhu cầu giá cau tăng nên họ mua luôn cây con. Cau con bán từ 5.000-7.000 đồng/cây.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân nên thận trọng
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm, cây cau được người dân trồng xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái…tận dụng khoảng đất trống để trồng kiếm thêm thu nhập, cau tăng giá làm tăng thêm lợi nhuận từ mảnh vườn cho người. Hiện ngành chức năng huyện khuyến cáo người dân đánh giá thị trường không tập trung trồng đại trà nhằm tránh trường hợp trồng nhiều nhưng tiêu thụ không được, khi đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.