Chỉ vài ngày nữa thôi là đến Tết Trung Thu nhưng thị trường bánh Trung thu tại TPHCM và Thừa Thiên Huế khá im hơi lặng tiếng bởi dịch Covid-19. Mọi năm vào thời gian này, rất nhiều người đổ xô ra đường tìm mua bánh dẻo, bánh nướng. Không chỉ để gia đình thưởng thức mà các loại bánh còn được dùng làm quà kết nối các mối quan hệ. Nhưng thực tế hiện nay, các tuyến phố vắng bóng các gian hàng bánh Trung thu. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng sản xuất. Có thể thấy đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe mà còn tác động đến tâm lý của người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp giảm sản lượng, ngưng sản xuất


Gia đình ông Quang Minh sống tại Quận 5, TPHCM đã có hơn 50 năm sản xuất bánh Trung thu gia truyền. Tuy nhiên, năm nay do dịp Trung thu diễn ra trong bối cảnh thành phố đang siết chặt giãn cách. Gia đình ông chỉ sản xuất “cầm chừng”. Vì lo ngại sức mua sụt giảm hơn nhiều so với mọi năm.
“Hàng năm gia đình tôi chuẩn bị các hoạt động sản xuất trước khoảng 2 tháng. Bắt đầu mở nhận đơn từ cuối tháng 6 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay dịch phức tạp, chúng tôi phải nghe ngóng tình hình. Cận rằm tháng 8 mới bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu và nhận đơn hàng. Do gặp khó khăn trong nguồn cung nguyên liệu, nhân công, vận chuyển nên chúng tôi đã phải giảm 70% sản lượng”. Ông Minh chia sẻ.
Theo khảo sát, hiện các thương hiệu bánh Trung thu lớn ở TPHCM đều giảm sản lượng bánh sản xuất. Một số thương hiệu bánh Trung thu truyền thống tạm ngưng hoạt động. Đại diện thương hiệu bánh Trung thu Hỷ Lâm Môn cho biết, năm nay đơn vị cũng tạm ngưng sản xuất bánh do dịch COVID-19. Mặc dù trước đó đơn vị này đã lên kế hoạch sản xuất và quảng bá sản phẩm. Tương tự, chuỗi bánh ABC Bakery cũng cho biết, mùa Trung thu năm nay, công ty không tổ chức sản xuất bánh Trung thu như mọi năm.
Thừa Thiên Huế: Cầm chừng vì dịch Covid-19
Các góc phố, vỉa hè tại TP. Huế chỉ thưa thớt những cửa hàng, kiốt bán loại bánh này. Các loại bánh trung thu đang được bày bán phổ biến nhất hiện nay trên thị trường Huế mang thương hiệu Kinh Đô và Phúc Hưng; Yến sào Khánh Hòa, Bảo Long.
Bà Hồ Thị Huyền Sương – chủ tiệm bánh Phúc Hưng (TP. Huế) – chia sẻ: Các năm trước, thời gian này đang vào mùa cao điểm sản xuất bánh trung thu. Nhưng năm nay tại cơ sở bánh trung thu Phúc Hưng, không khí vẫn không quá tấp nập. Số thợ làm bánh cũng đã giảm đi một nửa so với trước đây. Không sử dụng chất bảo quản và lo ngại về tình hình dịch bệnh phức tạp nên cơ sở cũng chỉ sản xuất cầm chừng. Mỗi ngày cho ra lò 1.000 cái bánh. Tùy thuộc vào khả năng tiêu thụ của thị trường để tiếp tục điều chỉnh năng suất sản xuất bánh mỗi ngày.


Chị Đỗ Phương Anh – chủ tiệm bánh Midory (TP. Huế) – cho biết: Giá nguyên vật liệu tăng. Kéo theo giá bánh cũng nhỉnh hơn so với mọi năm. Các loại bánh dẻo có giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/bánh; bánh nướng từ 30.000-180.000 đồng/bánh; tùy thuộc vào kích cỡ và thành phần nhân bánh.
Người tiêu dùng cũng khó tính hơn khi lựa chọn các sản phẩm bánh trung thu cho gia đình. Anh Trần Văn Tấn (TP. Huế) chia sẻ: Tiêu chí chọn mua bánh của mình là chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhưng mức giá cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế.
Nhộn nhịp thị trường online
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các công ty sản xuất bánh Trung thu chủ yếu bán hàng trực tuyến và hoàn toàn không mở quầy, sạp kinh doanh trực tiếp. Trên các trang mua sắm trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki,.. và trang mạng xã hội, các đơn vị sản xuất bánh kẹo như Như Lan, Kinh Đô, Hữu Nghị… cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm với đa dạng chủng loại, giá cả.
Để góp phần giữ giá bán tốt cho người dân, các công ty sản xuất cũng triển khai chương trình giảm giá tốt cho những đơn hàng có số lượng lớn, mua theo combo và mua chung. Năm nay, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu vẫn duy trì giá bán dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 100.000 – 300.000 đồng/chiếc (tuỳ loại nhân bánh và trọng lượng). Đối với những sản phẩm bánh trung thu được bán theo hộp, combo, mua chung… có giá dao động từ 360.000 đồng đến vài triệu đồng/hộp, tùy vào thương hiệu bánh.
Theo các đơn vị sản xuất, với hình thức kinh doanh này, giúp hạn chế được tình trạng ôm hàng và tính toán được số lượng hàng tiêu thụ, nhu cầu thị trường. Ngoài ra, việc thanh toán qua ứng dụng, không tiếp xúc và giao hàng theo từng quận, huyện cũng giúp đảm bảo phòng chống dịch.